Có một nơi mọi người đủ mọi lứa tuổi, từ mọi nơi, gặp nhau mỗi tuần một lần, hàng tháng cùng nhau đi dã ngoại để luyện tập, để cười vui, để chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đó là chính là Câu lạc bộ Dưỡng sinh Năng lượng thuộc chi hội y học Esperanto - Hà Nội của chúng tôi. "Vui, khỏe, sống có ích cho đời" là mục tiêu của Câu lạc bộ chúng tôi.
Đề nghị ghi rõ nguồn http://luatamuoi.com/ khi sao chép những bài viết chia sẻ từ trang Câu lạc bộ DSNL.
Mọi liên hệ xin gửi về một trong 3 địa chỉ ở mục LIÊN HỆ. Xin trân trọng cảm ơn."

Hiển thị các bài đăng có nhãn Tiến Quyết. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tiến Quyết. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Thiền và nâng cao tâm tính

Nguyễn Tiến Quyết
Học viên lớp sáng thứ tư

 Nguyễn Tiến Quyết đứng ngoài cùng từ trái sang
        Thế là đã thấm thoát 4 năm (*) tôi gắn bó với Câu lạc bộ DSNL. Chứng kiến CLB phát triển từng ngày, học viên đến xin học ngày một đông. Tôi thầm tạ ơn Thầy Tổ đã đưa ra pháp môn tuyệt vời này. Cảm ơn Thầy Cô Chủ nhiệm đã tổ chức CLB để hướng dẫn mọi người tu tập nâng cao sức khỏe, đồng thời cũng giúp chúng tôi có nơi chia sẻ chiêm nghiệm tâm linh.

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Bài tập chữa xương khớp

Tháng 4/ 2010 chúng tôi lên Côn Sơn theo lịch dã ngoại định kỳ của CLB. Khác với mọi lần, lần này chúng tôi được gặp hai nhà sư vừa ở trong Nam ra. Đó là sư Hải và sư Phương theo phái Nam Tông. Sư Hải đã dành thời gian nói chuyện với chúng tôi. Những chia sẻ của Thầy thật thú vị và bổ ích. Sư Phương cũng dành thời gian hướng dẫn chúng tôi phương pháp "Đi bộ chữa bệnh" và bài tập "Động cầu tĩnh" để chỉnh xương khớp. Bài tập đơn giản, rất nhẹ nhàng mà hiệu quả. Tôi hay bị đau lưng ở vùng thận và nhức mỏi ở hai đầu gối. Thế mà chỉ sau 3 đến 4 lần tập thấy đỡ và sau 1 tháng tập thì hết đau. Chỉ cần kiên trì và chịu khó, mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần.
 Tiến Quyết (áo sẫm màu) tập bài "Động cầu tĩnh"
Lần đầu tiên, do yêu cầu bài tập đòi hỏi phải trùng đầu gối để có tác dụng kích thích các khớp tiết chất bôi trơn để đỡ khô khớp, bạn có thể thấy rất đau. Phải sau 3 - 4 lần tập, cơn đau sẽ dịu đi và cứ thế kiên trì tập luyện sẽ có kết quả. Trở về từ Côn Sơn, tôi đã kiên trì tập luyện và thu được kết quả rất tốt. Tôi mạnh dạn viết lại chia sẻ với mọi người với hy vọng những người bị bệnh về xương khớp kiên trì luyện tập cũng sẽ khỏi.
Nội dung bài tập như sau:
1. Đứng thẳng, toàn thân thả lỏng, hai tay buông xuôi dọc theo thân.
2. Chân phải từ từ chùng xuống, từ từ đưa chân trái sang bên một bước rộng bằng vai.
3. Hai tay từ từ đưa lên vòng rộng ra phía trước, hai bàn tay úp về phía ngực. Hai tay không chạm vào nhau, cách độ 3-4 cm. Tưởng tượng như đang ôm một quả cầu tròn.
4. Giữ nguyên thế đứng trung bình tấn, đồng thời hít thở 2 thì nhẹ nhàng. Hít vào bằng mũi, thở ra bằng mồm. 
5. Giữ nguyên như vậy trong khoảng thời gian từ 10-15 phút.
6. Trở về vị trí ban đầu. Chú ý: động tác nào làm sau thì giờ làm trước, lần lượt từng động tác một cho đến khi trở về động tác 1. 
Yêu cầu các động tác phải hết sức từ từ và nhẹ nhàng.

Chúc mọi người trong CLB luyện tập bài "Động cầu tĩnh" đạt kết quả để nâng cao chất lượng cuộc sống, sống có ích cho đời, sống khỏe, sống vui với mọi người.
Tháng 8/2011
Nguyễn Tiến Quyết


Lời góp: Tháng 4/ 2010 trang CLB đã chia sẻ 2 video ghi lại những hình ảnh và lời hướng dẫn tập bài luyện này và bài "Đi bộ chữa bệnh". Xin post lại video có phần đầu là bài tập "Động cầu tĩnh" phần sau là bài "Đi bộ đúng cách". Bác nào cần tìm hiểu thêm bài "Đi bộ chữa bệnh" mời xem TẠI ĐÂY.

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

Tự ngẫm

Cuộc đời trải qua thật ngắn ngủi, tưởng rằng vài chục năm là dài, nhưng ngoảng lại thấy nó như một giấc mơ. Hãy nghĩ lại mà xem. Từ khi chào đời, chúng ta biết ngày này, tháng này ta sinh ra , nhưng liệu ta có biết ngày nào mình sẽ ra đi không. Vẫn biết sinh tử là lẽ thường và chúng ta gặp nhau ở Câu lạc bộ để cùng tu luyện cũng do bởi một chữ duyên, tôi viết ra những lời này tự đáy lòng mình có gì không phải, không đúng, xin được lượng thứ.
Nhiều lúc chứng kiến những người đang khỏe mạnh đột nhiên hôm sau đã thấy có tin báo tử, tôi thấy đời người thật vô thường. Ngẫm lại, tôi thấy mình thật sự đã để lãng phí quá nhiều thời gian. Càng đọc quyển "Thiền và những vấn đề tu luyện", tôi càng thấy mình chưa làm được gì cả. Vẫn luẩn quẩn với quá nhiều ràng buộc, tư lợi, so đo, tính toán. Nghĩ thật buồn cười và hổ thẹn. Mỗi lần đau một tý lại chạy đến kêu Thầy. Nay "con đau chỗ này", mai "con đau chỗ khác". Mình như thế còn bao nhiêu người khác nữa trong Câu lạc bộ thì làm thế nào?
Trong lớp, Thầy giảng không biết bao nhiêu lần đó là "khổ nạn", là "thử thách", vậy mà chúng ta đã thật sự xem mình là người tu luyện chưa? Đã áp dụng những lời Sư Tổ dạy trong quyển "Thiền và những vấn đề tu luyện" vào trong quá trình tu tập và trong cuộc sống hàng ngày chưa? Thầy là người chỉ đường, còn kết quả tu tập như thế nào phải là do chính mình. 
Phải chăng con người ta khi đến tột cùng của sự đau khổ, khi đứng giữa cái sống và cái chết mới nhận ra chân lý. Tại sao trong lúc đang còn có sức khỏe, không tận dụng thời gian, từng giây, từng phút để tu tập tốt hơn, và không chỉ trong lúc tu tập mà cả trong lúc không tập cũng phải hướng vào nội tâm để xem tâm mình còn gì chưa buông bỏ, còn gì thiếu sót để sửa chữa, để thuận theo "Chân - Thiện - Nhẫn". 
Thời gian không chờ đợi ai. Chúng ta nay sửa một chút, mai sửa một chút, tôi tin rằng chúng ta sẽ thành công.
Người tu học
Lời góp: Người viết bài là một trong những gương tập luyện tiêu biểu của CLB. Mặc dù tuổi còn trẻ nhưng về nghị lực và ý chí thì không thua những bậc cao tuổi, lão làng ở CLB. Nghiêm túc trong tập luyện, nghiêm khắc với bản thân, hòa đồng với mọi người, khiêm tốn với những gì mà mình đã đạt được, là những đức tính tốt của anh được tập thể CLB chúng tôi chân trọng. Những điều chia sẻ của anh cũng là những gì mà chúng tôi còn trăn trở. Hy vọng sau khi nghiên cứu kỹ quyển "Thiền và những vấn đề tu luyện" mới được tái bản, mỗi chúng ta sẽ có những suy ngẫm riêng của mình và cùng chia sẻ.

Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2010

Người mang niềm tin, khát vọng sống cho mọi người

Thầy, bên trái, và Nguyễn Tiến Quyết - tác giả bài viết, bên phải, đang hỗ trợ chữa bệnh cho sư Phương.

Ngày nay, trong cuộc sống vất vả với những bon chen, toan tính đời thường, với những lo âu được - mất, vẫn có những người lặn lội mang niềm tin và khát vọng sống đến cho mọi người mà không vì lợi ích cho riêng cá nhân mình, một trong những người đó là Thầy của chúng tôi.

Thầy của chúng tôi là một đại tá quân đội đã nghỉ hưu. Nơi ở của Thầy suốt hơn 5 năm qua đã trở thành nơi chúng tôi gửi gắm bao nhiêu niềm tin và tìm lại được sức khỏe cho chính mình, xoa dịu những cơn đau, những nỗi thất vọng khi phải đối mặt với những căn bệnh hiểm nghèo. Cũng tại nơi này, không ít người trong số chúng tôi đã tìm lại được nụ cười khi biết rằng mình đã vượt qua được chính mình, đã chiến thắng được bệnh tật, đã lại trở thành một người khỏe mạnh sống có ích cho đời, cho gia đình và cho bản thân.


Tôi viết lên đây những dòng mộc mạc chỉ nói lên được phần nào đức độ và lòng nhân từ của Thầy. Từ đáy lòng mình, tôi khâm phục Thầy lắm, nguyện noi gương Thầy suốt đời. Trong cuộc sống đời thường, khi mà rất nhiều người chỉ biết thu lợi về cho bản thân, càng nhiều càng tốt, làm việc gì cũng chỉ nghĩ đến lợi cho cá nhân, thì Thầy tôi lại âm thầm "đóng bè làm phúc". Từ già đến trẻ, từ người mắc bệnh nan y đến bệnh bình thường, ai đến với Thầy, Thầy cũng nhiệt tình hướng dẫn cách luyện tập, để có thể nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Thầy dạy chúng tôi biết kiên trì, nhẫn nại, giúp chúng tôi có được niềm tin vào phương pháp luyện tập, tin vào bản thân vượt qua những nỗi sợ hãi bệnh tật, nỗi tuyệt vọng để làm chủ chính cuộc sống của mình. Hàng tháng Thầy lại tổ chức cho các hội viên đi luyện tập thiền dã ngoại ở Côn Sơn, nơi có không khí trong lành rất tốt cho sức khỏe. Thật kỳ diệu, chỉ trong thời gian ngắn ngủi, từ 2 đến 3 ngày, ai cũng khỏe lên trông thấy, gương mặt ai cũng phấn khởi, vui vẻ, cười nói sảng khoái quên hết lo ưu, phiền muộn.


Là một quân nhân đã nghỉ hưu, Thầy luôn nhiệt tình tham gia các công tác xã hội, các hoạt động đoàn thể ở địa phương nơi cư trú. Thầy còn là thành viên tích cực của Hội Bơi của người cao tuổi, Hội Quốc tế ngữ, Chi hội Y học Dân tộc Quốc Tế Ngữ. Thầy dành rất nhiều thời gian để tham dự các lớp nâng cao kiến thức về Giải phẫu học, y học cổ truyền như Diện chẩn, Ymeiho, xoa bóp, bấm huyệt, y lý...


Cùng với các bác trong Ban Liên Lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 88 - Tu Vũ anh Hùng, Thầy đã đi đến rất nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức để vận động quyên góp xây Khu Lưu niệm Truyền thống - Tưởng niệm hơn 6000 liệt sỹ của Trung đoàn tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. Năm 2009 công trình đã được khánh thành và đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử đúng vào dịp lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trung đoàn 88 - Tu Vũ anh hùng.


Một tuần có 7 ngày, Thầy dành 4 ngày để lên lớp, hướng dẫn cho các hội viên luyện tập, còn 3 ngày Thầy dành thời gian học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu phương pháp luyện tập sao cho các hội viên luyện tập đạt kết quả tốt. Thầy lấy niềm vui của học trò làm niềm vui cho chính mình, lấy việc làm từ thiện để góp những giọt mật cho đời. Những lời nói trầm ấm, thiết tha, những triết lý về tâm linh cao cả, thiêng liêng thật sâu sắc quá. Chúng tôi, từ già đến trẻ, chẳng ai bảo ai, đều khâm phục và biết ơn Thầy tận đáy lòng. Từng buổi tập, ai cũng lắng nghe Thầy, và cố gắng tập sao cho tốt mang lại sức khỏe cho mình và làm niềm vui tặng Thầy. Thật kỳ diệu, với niềm tin, với sự quyết tâm, với sự chỉ bảo nhiệt tình của Thầy, chỉ ngồi thiền mà đẩy lùi được bệnh tật. Với bệnh nhẹ không cần dùng thuốc cũng khỏi, với bệnh nặng thiền giúp cho tác dụng của thuốc được nhanh hơn, hạn chế các phản ứng phụ, giúp phục hồi nhanh hơn. Tất cả chúng tôi, những học trò của Thầy, luôn mong Thầy được khỏe mạnh để giúp ích thật nhiều cho đời.
Ngày 19/6/2010
Nguyễn Tiến Quyết

Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

“THIỀN” ĐÃ TRẢ LẠI CHO TÔI SỨC KHỎE

Tôi là Nguyễn Tiến Quyết, 34 tuổi, thường trú tại: số nhà 3, tổ 23, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tôi bị chứng bệnh về máu: Tăng tiểu cầu tiền phát. Phát hiện bệnh do một tai nạn và bị cắt mất lá lách. Bác sĩ chẩn đoán bệnh của tôi ở giai đoạn đầu, gan to, tính tình hay bi quan, hay tức giận vô cớ, da mặt xanh xao lộ rõ vẻ ốm yếu. Bác sĩ còn nói bệnh này chữa đỡ nhưng không khỏi được. Tôi đã chán nản buông xuôi và nghĩ đời mình rồi sẽ đi qua, điều không vui vẻ là ra đi với một tấm thân ốm yếu. Ngày đầu khi vào viện 1 tuần lọc máu 2 lần, mỗi lần 3 triệu đồng. Sau 18 ngày nhập viện mất 17 triệu đồng, cứ thế tôi phải điều trị hàng tháng rất tốn kém mà kinh tế gia đình eo hẹp. Cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi chán chường. Sau 2 đợt điều trị tại Viện Huyết Học và Truyền máu Trung ương, tôi ra viện để chờ đợi đợt sau.
Số phận run rủi dẫn tôi đến với Thiền qua sự giới thiệu của một cô đã học ở CLB. Lần đầu tôi đến với CLB là ngày 1 – 6 – 2008, tôi cũng chỉ nghĩ là làm cái gì đó để quên đi những ngày tháng đen tối đang chờ nhưng ngay từ ngày đầu được Thầy giảng giải về pháp môn và phương pháp tập luyện, tôi say sưa nghe giảng và tập cùng cả lớp. Tôi đã nhập thiền lúc nào không hay, khi nghe bài thiền “Lửa Tam Muội” tâm hồn tôi lâng lâng, dễ chịu và thoải mái – nhanh chóng quên đi hết đau đớn của bệnh tật. Tôi được hướng dẫn thêm hai bài tập sau đó để buổi sáng tập bài “Dịch Cân Kinh Trợ Luân” và buổi chiều tập bài “Quân Bình Âm Dương” và buổi tối tập bài thiền “Lửa Tam Muội”. Tôi kiên trì tập theo sự hướng dẫn ở CLB đều đặn. Sau một tháng sức khỏe của tôi tăng lên nhiều, cơn đau của bệnh cũng giảm rõ rệt. Theo định kỳ tôi đến kiểm tra ở bệnh viện, các chỉ số của bệnh giảm nhiều nên rất phấn khởi và quyết tâm luyện tập. 8 tháng sau đó do luyện tập tốt, sức khỏe của tôi gần như trở lại bình thường, làn da xanh xao nay đã chuyển sang hồng hào, sáng đẹp. Tôi khám phá ra – tâm tôi đã biết lắng nghe, chia sẻ quan tâm đến mọi người xung quanh. Ngày chưa bị bệnh, tôi chỉ nghĩ làm sao kiếm được thật nhiều tiền, nhưng nay tôi không còn ý nghĩ ấy nữa mà quan tâm nhiều đến sức khỏe của bản thân cũng như gia đình vì nó mới thực sự là tài sản vô giá. Tôi thật sự biết ơn người đã lập nên pháp môn này, cảm ơn các Thầy đã chỉ dẫn để tôi cũng như mọi người luyện tập. Cảm ơn các bác trong CLB đã động viên, chia sẻ. Tôi xin cầu chúc cho mọi người bệnh đến với CLB nhanh chóng đẩy lùi bệnh tật. Chúc cho CLB ngày càng phát triển.
Hà nội tháng 5/2009
Nguyễn Tiến Quyết
(Bài đã được đăng trong quyển Kỷ Yếu của CLB)
(Ảnh minh họa: Quyết ngồi trên cây trò ngàn năm ở rừng Cúc Phương trong chuyến du xuân cùng CLB năm 2009)